Ăn ngũ cốc nguyên hạt. Mùa hè năm ngoái, một báo cáo mới từ Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICR) và Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF) cho thấy, ăn khoảng ba phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày có thể làm giảm 17% nguy cơ ung thư đại trực tràng. (Bạn có thể nhận được ba phần ăn này từ một cốc ngũ cốc ăn liền, một lát bánh mì, và 1/2 tách gạo nấu chín hoặc mì ống).
Chìa khóa không chỉ nằm ở chất xơ, mà còn ở sự phối hợp phong phú các chất dinh dưỡng, muối khoáng và các hợp chất khác trong thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau. Vì vậy cũng nên có chế độ ăn nhiều trái cây và rau giàu chất xơ.
Giảm rượu, thuốc lá, thịt chế biến sẵn và thịt đỏ.
Theo báo cáo của AICR/WCRF, uống trên 30g cồn mỗi ngày (tương đương với khoảng hai ly rượu vang, hoặc hai ly cocktail hoặc hai cốc bia), làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Vì vậy, nếu có uống thì nên uống vừa phải.
Điều này cũng đúng đối với người sử dụng thuốc lá. Điều tốt nhất mà người hút thuốc có thể làm là bỏ thuốc.
Thịt chế biến sẵn (như thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích) và thịt đỏ (như thịt bò và thịt lợn) cũng có thể làm tăng nguy cơ của bạn. Ví dụ, cứ mỗi nửa lạng thịt chế biến sẵn mỗi ngày có thể làm tăng tới 16% nguy cơ ung thư đại tràng.
Tập thể dục đều đặn. Theo báo cáo của AICR/WCRF, thừa cân làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, và tất cả các loại hoạt động thể chất, kể cả đi bộ, cũng có thể làm giảm nguy cơ. Ví dụ, các nghiên cứu đã thấy rằng những người hoạt động nhiều nhất khó bị ung thư đại tràng (nhưng không phải ung thư trực tràng) hơn 20% so với những người ít hoạt động nhất.
Khám sàng lọc. Ung thư đại trực tràng đã được miêu tả là “kẻ sát nhân thầm lặng”, phát triển chậm chạp qua 10 đến 15 năm với ít hoặc không có triệu chứng. Nhưng nếu bạn có thể phát hiện và cắt bỏ polyp khỏi lớp niêm mạc của đại tràng hoặc trực tràng trước khi chúng phát triển thành ung thư, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh.
Các chuyên gia khuyên nên thực hiện nội soi đại tràng 5-10 năm một lần bắt đầu từ tuổi 50. Nếu bạn vốn đã có nguy cơ mắc bệnh cao – ví dụ, có cha/mẹ hoặc anh chị em ruột bị ung thư đại tràng – các chuyên gia khuyên nên bắt đầu soi đại tràng ở tuổi 40, và khám sàng lọc thường xuyên hơn. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về kế hoạch sàng lọc tốt nhất cho bạn.