Không ít người dùng Facebook sau khi kiểm tra hộp thư inbox thì thấy hàng trăm lời mời chào, hay nhận được hàng tá thư mời kết bạn từ những dịch vụ quảng cáo mà không biết tại sao. Có lẽ chúng ta sẽ còn “phát hoảng” hơn nữa khi biết rằng những thông tin cá nhân như email, số điện thoại, tuổi tác, địa chỉ, giởi tính, sở thích,…. đang được Facebook cho phép khai thác và rao bán tràn lan trên nền tảng của họ.
Dạo qua các group marketing online, chia sẻ thủ thuật trên mạng xã hội Facebook, cũng dễ dàng tìm thấy những chủ đề lấy dữ liệu người dùng như UID, số điện thoại, email cá nhân,… được rao bán như những món hàng, được dùng làm giải thưởng, hay thậm chí là … cho không.
“Share free khách hàng miễn phí: Ai cần tệp khách hàng những người giàu có chơi golf, mua ô tô, làm đẹp, spa,… Tớ sẽ chia sẻ tệp data SĐT và Email đúng đối tượng bạn cần miễn phí”, một tài khoản đăng tải. Tuy nhiên yêu cầu để được chia sẻ data đó là người dùng cần phải để lại bình luận kèm theo email. Bằng hình thức này, chủ sở hữu đã dễ dàng thu được một lượng lớn email do người dùng tự “dâng hiến”.
Một bài đăng tương tự, xuất hiện khá phổ biến trên mạng xã hội Facebook
Trái với tâm lý bất ngờ của phần đông người dùng khi đọc được những thông tin trên, thì đối với “dân marketing”, hay những người quen thuộc với nền tảng mua bán trên Facebook, thì đây là những kiến thức cơ bản. Trên thực tế, đây chính là cách mà Facebook hoạt động. Thay vì thu tiền trực tiếp từ người dùng, Facebook mang đến cho họ một dịch vụ kết nối “miễn phí”, nhưng đằng sau lại không thể kiểm soát dữ liệu người dùng luân chuyển giống như một món hàng. Nhờ vậy mà Facebook mới kiếm “bộn tiền” nhờ vào các dịch vụ quảng cáo.
Theo tìm hiểu, có tới hàng tá cách thức khác nhau nhằm khai thác dữ liệu người dùng trên Facebook, tuy nhiên phổ biến hơn cả đó là lợi dụng lỗ hổng của nền tảng này để tích hợp các quyền truy cập thông tin cá nhân như danh bạ, thông tin bạn bè, địa chỉ, email,…trên các ứng dụng, cũng như tâm lý chủ quan của người dùng, khi đa số đều ấn chấp nhận mà không đọc kỹ. Đây cũng chính là cách thức được sử dụng trong vụ scandal liên quan tới dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng Facebook, khiến thị trường chứng khoán chao đảo và đánh mất niềm tin người dùng. Tuy nhiên đây có thể chỉ giống như phần nổi của một tảng băng khổng lồ đang chìm phía dưới mặt nước biển.
Bên cạnh hình thức trên, còn rất nhiều chiêu trò tinh vi giúp phát tán, chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng như sử dụng phần mềm convert từ UID (số ID của tài khoản Facebook) sang SĐT và Email, hay mua bán công khai những UID này trên các hội/nhóm marketing online.
Không chỉ riêng tại Việt Nam, mà hiện tượng trên còn xuất hiện và được khai thác mạnh mẽ tại nhiều nước phát triển trên thế giới như Nga, Mỹ,… làm ảnh hưởng không chỉ tới cá nhân mà cả những hoạt động mang tính chính trị, quốc gia. Điển hình là vụ hàng ngàn tài khoản giả mạo bị phát hiện đã chạy quảng cáo trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016, khiến Facebook đau đầu với những chỉ trích và cáo buộc suốt từ thời điểm đó tới nay.
Nguyễn Nguyễn