Tại trận bán kết, các đội phải sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo với mục đích cho xe di chuyển với tốc độ cao nhất, xác định và tránh được vật cản xuất hiện trên đường; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái và rẽ phải.
Đặc biệt, các biển rẽ trái, rẽ phải sẽ tự động thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy để đảm bảo chính xác khả năng nhận biết biển báo của từng đội.
Chiếc xe mô hình của mỗi đội theo đó sẽ tự động hoạt động mà không nhờ vào bất kỳ thao tác điều khiển, chỉ dẫn nào, khiến những đội thi góp mặt tại sân khấu cũng chỉ đóng vai trò “khán giá” và chỉ tham gia khi xảy ra trục trặc phần cứng.
Trước thử thách đầy khó khăn được ban tổ chức đưa ra, rất nhiều thí sinh đã không tránh khỏi việc căng thẳng, lo lắng, để rồi “vui sướng tột độ” khi “đứa con cưng” hoàn thành xuất sắc phần thi.
Tại vòng đấu bán kết, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT khích lệ tinh thần các đội thi, đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong việc tham gia ngành tự động hóa của khu vực. Ông cũng trích dẫn lời của một vài hãng xe hơi lớn, cho rằng “ngành ô tô đang thay đổi đáng kể”.
“Nếu ngày xưa ô tô chủ yếu là sắt thép thì tới đây 70-80% giá trị ô tô là phần mềm, nên tương lai các bạn đi vào ngành này rất là rộng lớn”, ông Trương Gia Bình nhận định.
Đóng vai trò là đại diện cho đơn vị bảo trợ của cuộc thi, Đại tá Trần Xuân Đăng nhận định: “Cuộc thi trông đơn giản vậy thôi, nhưng về mặt công nghệ thì tích hợp rất nhiều công nghệ mới, công nghệ hiện đại, và đều là những công nghệ cốt lõi của cuộc các mạng 4.0 mà chúng ta đang bước vào.”
PGS.TS Hoàng Đăng Hải cũng đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi, cho rằng “Với chủ đề cuộc thi xe tự hành chúng ta thấy rằng đây là lĩnh vực mới nhưng có rất nhiều sinh viên quan tâm. Tôi hi vọng qua cuộc thi này các bạn sẽ có điều kiện được nghiên cứu học hỏi các công nghệ mới như AI, Big Data”
Sau gần 45 phút thi đấu gay cấn và căng thẳng, kết quả vòng bán kết cuộc thi “Cuộc đua số 2017-2018” được ban giám khảo công bố với phần thắng thuộc về 2 đội thi đến từ Đại học FPT là Prototype và Winwin Spiral; 1 đội thi đến từ Học viện Kỹ thuật quân sự là MTA_Race4Fun; 1 đội đến từ Đại học Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội là UET_Fastest.Trong đó, 2 đội của FPT có thời gian hoàn thành phần thi sớm nhất.
“Cuộc đua số 2017-2018” diễn ra từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018. Sau khi vượt qua vòng bán kết, các thí sinh sẽ gặp phải thử thách còn lớn hơn tại vòng chung kết, khi phải lập trình để xe có thể chạy được với điều kiện mô phỏng ánh sáng ngoài trời, nhận diện biển báo giao thông, rẽ trái/phải theo quy định…
Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi lên tới hơn 4 tỷ đồng. Đội vô địch sẽ được nhận tổng giá trị phần thưởng của các vòng là 450 triệu đồng, trong đó có một chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Nhật Bản trong vòng 1 tuần và được FPT Software tuyển thẳng vào làm theo lĩnh vực mà cá nhân mong muốn.
Cuộc thi đã thu hút gần 800 thí sinh (260 đội) của 32 trường đại học trên cả nước tham dự. TPHCM là khu vực có đông thí sinh đăng ký nhất (117 đội), tiếp theo là Hà Nội (102 đội) và Đà Nẵng mặc dù là năm đầu tiên tham gia nhưng cũng có lượt thí sinh đăng ký đông đảo (41 đội)…
Nguyễn Nguyễn