Khi mới 7 tuổi, bà của cô bé Emma Yang (sống tại thành phố New York, Mỹ) bắt đầu mắc những vấn đề về trí nhớ. Trong những năm tiếp theo, do căn bệnh Alzheimer ngày càng trở nên trầm trọng hơn, bà của Yang đã mất dần ký ức về những thành viên trong gia đình.
Với tình yêu dành cho người bà của mình và kỹ năng về lập trình được học từ khi còn nhỏ, Emma Yang đã bắt tay vào xây dựng một ứng dụng di động để giúp đỡ bà của mình và cả những người mắc bệnh Alzheimer khác.
“Cháu đã có trải nghiêm bản thân với căn bệnh này và nhận ra rằng nó có thể ảnh hưởng không chỉ đến bệnh nhân mà còn cho cả gia đình và người thân”, Emma Yang trả lời phỏng vấn của tạp chí Fast Company. “Cháu đã nghĩ đến việc sử dụng công nghệ vì lợi ích của xã hội để giúp đỡ những người mắc chứng bệnh Alzheimer trên toàn thế giới”.
Emma Yang bắt tay vào xây dựng ứng dụng của riêng mình từ năm 12 tuổi và hiện nay đến năm 14 tuổi, ứng dụng đã được hoàn tất. Ứng dụng có tên gọi “Timeless” của Yang đã kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và tính năng nhận diện gương mặt để giúp đỡ cho những người bệnh. Những bệnh nhân Alzheimer có thể lướt qua những hình ảnh bạn bè và người thân có trên ứng dụng và ứng dụng sẽ cho họ biết người trong ảnh là ai và có quan hệ như thế nào với người bệnh.
Nếu bệnh nhân Alzheimer không nhớ được một ai đó khi họ gặp mặt, họ có thể sử dụng Timeless để chụp một hình ảnh của người đó và nhờ vào công nghệ nhận diện gương mặt, ứng dụng này sẽ nhận diện được người trong ảnh là ai và cho bệnh nhân biết.
Ứng dụng cũng bao gồm một màn hình nhắc nhở đơn giản liệt kê các cuộc hẹn trong ngày, cùng với màn hình danh bạ đơn giản cho thấy ảnh và tên của các thành viên trong gia đình để người dùng có thể liên lạc nếu cần. Một trang cá nhân cũng cho biết các thông tin về người bệnh như tên, tuổi, số điện thoại và địa chỉ của bệnh nhân.
Người chăm sóc bệnh nhân cũng sẽ duy trì một số tính năng trên ứng dụng, bao gồm việc đưa các sự kiện, lịch hẹn vào lịch hàng ngày và mời bạn bè, người thân gửi những hình ảnh của họ để tính năng nhận diện gương mặt trên ứng dụng có thể nhận diện ra họ và cập nhật cho người bệnh.
Hiện Emma Yang đang hợp tác với các cố vấn tại công ty công nghệ Kairos (Mỹ), công ty chuyên phát triển công nghệ nhận diện gương mặt để phát triển tính năng nhận diện gương mặt trên ứng dụng được hoàn chỉnh hơn.
Ứng dụng hiện vẫn đang ở giai đoạn phát triển gần hoàn tất và Yang vẫn chưa có bằng chứng để chứng minh rằng ứng dụng này có hiệu quả đối với người bệnh Alzheimer. Tuy nhiên với nỗ lực của một cô bé 14 tuổi trong việc giúp cho những người mắc chứng bệnh Alzheimer là một điều được nhiều người trân trọng và đánh giá cao.
“Hiện chưa có ứng dụng nào trên thị trường thực sự giúp cho những bệnh nhân Alzheimer với cuộc sống hàng ngày của họ”, Emma Yang cho biết. “Nhiều người nghĩ rằng ứng dụng này sẽ không hữu ích hoặc người già không thể sử dụng công nghệ, nhưng trên thực tế nếu mang ứng dụng này đến với người bệnh, nó có thể sẽ mang lại lợi ích cho họ”.
Theo giáo sư Katherine Possin thuộc Trung tâm Lão hóa và Trí nhớ của Đại học California (Mỹ), ứng dụng này có thể sẽ hữu ích cho những bệnh nhân giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer. Việc cuộn qua những bức ảnh có thông tin về người trên ảnh có thể xem như một hoạt động xã hội cho bệnh nhân, giúp cho người bệnh nhớ được về bạn bè và người thân của họ. Đây cũng có thể xem như một bài tập để tăng cường trí nhớ cho bệnh nhân.
“Những người mắc bệnh nhẹ hoặc giai đoạn đầu, với sự trợ giúp của người chăm sóc và một ứng dụng đơn giản, họ có thể học cách sử dụng nó thông qua việc thực hành lặp đi lặp lại”, giáo sư Possin nhận xét.
Hiện Emma Yang đang gây quỹ cộng đồng cho ứng dụng của mình để có thể mang ứng dụng đến thử nghiệm với những người bệnh Alzheimer. Nỗ lực của Emma Yang đã được nhiều người đánh giá cao, thậm chí tỷ phú công nghệ Bill Gates cũng đã ca ngợi ứng dụng của Emma Yang khi chia sẻ bài báo về thiếu nữ này trên trang Facebook cá nhân, đồng thời cho biết ông yêu thích ứng dụng và câu chuyện về cô bé Emma Yang. Rất có thể trong tương lai Bill Gates sẽ hỗ trợ để Yang hoàn thành phát triển ứng dụng của mình và mang nó đến với người bệnh.
T.Thủy