Không chỉ độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, đình Tường Phiêu (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) còn là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với vùng đất xứ Đoài xưa.
Có niên đại sớm và giá trị nghệ thuật cao, kiến trúc độc đáo của đình Tường Phiêu thể hiện ở bố cục duy nhất một đơn nguyên cùng phần kết cấu gỗ kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật xây cất với không gian phong thủy, tạo kết cấu liền mạch và thoáng rộng cho di tích.
Đặc biệt, phần trang trí, thật sự là những tuyệt tác nghệ thuật với đường nét tạo hình Long, Ly, Quy, Phượng trau chuốt, uyển chuyển hay những biến thể giàu sáng tạo, chất chứa khát vọng của người dân qua hình tượng: Rồng ẩn trong mây, rồng múa đôi cùng chim phượng, tiên cưỡi rồng, tiên có cánh…
Chú ý nhất là hình tượng tứ linh ở đình Tường Phiêu, trong đó có hình rồng khác hẳn với tạo hình ở nhiều ngôi đình Đoài thế kỷ XVI khác, dẫu vẫn uy nghiêm nhưng mang phong cách khoáng đạt hơn với những tay rồng nắm râu, nắm tóc; Lân đầu rồng, thân hươu…
Trong đó, tiêu biểu hơn cả là hình tượng hươu – con vật chở mặt trời đi – biểu tượng của nguồn sống, qua nét chạm khắc tài hoa của các nghệ nhân, mà trở nên hết sức bình dị và sống động. Và cũng rất hiếm hoi, hình người đã xuất hiện trong một mạng chạm giàu chất dân gian, để lại nhiều bất ngờ thú vị.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, không gian kiến trúc đình Tường Phiêu là một gạch nối liền mạch trong kiến trúc dân gian thế kỷ thứ XVI – XVII, nơi bảo tồn, lưu trữ khối hiện vật phong phú, như: Ngai thờ, bài vị, bát bửu, sắc phong…
Đình được đánh giá là một trong những viên ngọc của kho tàng di sản kiến trúc gỗ ở Hà Nội, là “chất liệu quý”cho những nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, đóng vai trò quan trọng trong “hệ thống đình Đoài”.
Không chỉ độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, đình Tường Phiêu với vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư, còn là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo gắn kết với việc phụng thờ vị phúc thần Tản viên Sơn Thánh.
Trong đó phải kể đến lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hàng năm thu hút đông đảo du khách tour du xuân 2019 với các lớp văn hóa tích hợp trong thần tích và lễ hội gồm: Lớp văn hóa thần thoại về tam vị thánh Tản, lớp văn hóa tín ngưỡng thờ thần núi, lớp văn hóa nông nghiệp, lớp văn hóa thờ cúng tổ tiên…
Đặc biệt, lễ hội đình Tường Phiêu còn có mối liên hệ gần gũi với lễ hội đền Và – một lễ hội lớn vào bậc nhất của dải đất xứ Đoài. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng phần hội vẫn duy trì được nhiều nghi thức độc đáo, phản ánh đời sống của cư dân lúa nước cùng các trò chơi dân gian độc đáo.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn khẳng định: Trải qua nhiều biến cố lịch sử, thách thức của thời gian và khí hậu, di tích đình Tường Phiêu vẫn trang nghiêm bên dòng sông Tích như một nhân chứng bất tử cho truyền thống văn hiến của người dân nơi đây. Đình Tường Phiêu cùng toàn bộ truyền thuyết về tam vị đức thánh Tản, các di vật trong đình là những tư liệu quý về lịch sử, phong tục, tập quán của vùng đất xứ Đoài xưa…
Từ điểm nhìn của những người yêu di sản văn hóa Hà Nội, có thể hình dung: Đình Tường Phiêu là một di sản văn hóa, một thứ “của để dành” mà cha ông trao lại cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau, do vậy rất cần được trân trọng, gìn giữ.
Để gìn giữ, phát huy giá trị di sản, việc đầu tiên, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ đang nỗ lực thực hiện là lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích đình Tường Phiêu nhằm phát huy giá trị của một di tích Quốc gia đặc biệt.
Song song với đó, là những bước chuẩn bị cho việc giới thiệu di sản văn hóa tới công chúng và du khách tour du lịch làng cổ Đường Lâm trong và ngoài nước; tập trung khai thác dịch vụ du lịch, cụ thể là kết nối đình Tường Phiêu với các di tích phía Tây Hà Nội như đền Hát Môn, chùa Thầy, chùa Tây Phương… thu hút khách du lịch tâm linh, góp phần phát huy bền vững giá trị di sản.